Skip to main content

5 CHÌA KHÓA Giúp Trẻ Học Online Hiệu Quả

Đến thời điểm này, học online không còn là một “giải pháp tình thế” cho trường học trong các đợt đóng cửa vì dịch bệnh nữa. Học online dần trở thành một xu hướng tất yếu, một hình thức học tập của thời đại 4.0 mang đến cho trẻ cơ hội trải nghiệm thú vị.

Một trong những khó khăn và cũng là điều khiến hầu hết ba mẹ mệt mỏi, âu lo khi trẻ học online là cần trang bị cho con những gì, hỗ trợ con như thế nào, đồng hành cùng con ra sao để trẻ tham gia vào lớp học một cách vui vẻ, sảng khoái và hiệu quả?

Trong cuộc trao đổi với Go Kids Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thuý Uyên Phương, với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực giáo dục và tâm huyết của một người tiên phong trong đổi mới giáo dục đã chia sẻ những chìa khoá quan trọng và ý nghĩa nhất để giúp ba mẹ có thể đồng hành cùng con học online hứng thú và hiệu quả.

Chị Nguyễn Thuý Uyên Phương cho rằng, “cốt lõi từ bên trong giúp trẻ học online vui vẻ, hiệu quả chính là kỹ năng tự chủ và tự học. Kỹ năng tự chủ và tự học của trẻ đến từ thói quen vận động ý tưởng và kỹ năng tra vấn, từ kỷ luật của bản thân. Bên cạnh đó là các kỹ năng mềm quan trọng như kỹ năng sử dụng máy tính và yếu tố môi trường và không gian học tập của trẻ.”

tre-chan-hoc

Trẻ rất dễ chán nản, mất tập trung và xao nhãng khi học online nếu không có sự chuẩn bị và đồng hành của ba mẹ. (Ảnh minh hoạ: NBC News)

Giúp trẻ có kỹ năng tự học

Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng khi con học online thì ba mẹ rất đuối, vì con rất dễ bị xao nhãng, mất tập trung, ngồi dăm ba phút là ngọ nguậy, liên tục gọi và cần có ba mẹ ngồi kè kè bên cạnh. Tuy vậy, cũng có khá nhiều phụ huynh cho biết con mình hoàn toàn không gặp mấy khó khăn, thậm chí có em còn học hiệu quả hơn trên môi trường này. Tôi quan sát thì thấy sự khác biệt ở hai nhóm trẻ này chính là kỹ năng tự chủ và tự học. Theo tôi, kỹ năng tự chủ và tự học của trẻ sẽ đến từ việc trẻ có thói quen vận động ý tưởng (vận động não bộ) hay không? Vận động ý tưởng rất quan trọng, bởi càng vận động thì não bộ của trẻ càng trở nên tinh nhuệ.

Khi trẻ sinh ra, bộ não của trẻ vận động rất linh hoạt, bằng chứng là trẻ thường xuyên đặt câu hỏi, tại sao hay thế nào, bắt chúng ta phải trả lời liên tục. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ cách nuôi dạy và môi trường xung quanh mà rất nhiều trẻ em ngày nay đã bị mai một kỹ năng vận động ý tưởng. Nguyên nhân là do phần lớn thời gian của các con bị thiếu đi một người để trò chuyện, trao đổi các ý tưởng. Cha mẹ quá bận rộn và không dành nhiều thời gian gần gũi, vui chơi với con nên trẻ gần như cả ngày ngồi trước màn hình xem phim hoạt hình. Những hình ảnh nhấp nháy khiến trẻ bị lôi cuốn vào nhưng thiếu đi tương tác hai chiều. Vì thế, bộ não của trẻ không được vận động một cách đúng đắn, dễ dàng mất đi sự chú ý, khả năng tập trung.

Không phải cứ ngồi trước một màn hình điện tử nào cũng là xấu, là tồi tệ. Ví dụ, việc học online cũng là ngồi trước một màn hình máy tính, nhưng ở đó các con được trò chuyện với cô giáo, với bạn bè, được cùng tìm hiểu một kiến thức nào đó, thì ở đó vận động ý tưởng vẫn diễn ra trong não trẻ.

Rèn luyện kỹ năng tra vấn cho trẻ

Kỹ năng tra vấn là kỹ năng đặt câu hỏi và đi tìm kiếm những nguồn tài liệu chứa đựng câu trả lời cho câu hỏi đó. Khá nhiều trẻ không hứng thú với việc học tập bởi vì việc học là không chỉ đòi hỏi sự suy nghĩ, mà còn đòi hỏi cả sự tò mò và ham muốn vượt qua một thử thách khi chúng ta phải đối mặt với một vấn đề tri thức cần tìm kiếm câu trả lời.

Khi còn nhỏ, kỹ năng này tồn tại ở trẻ một cách khá là tự nhiên, nhưng trong nhiều trường hợp chúng ta thờ ơ với các câu hỏi của trẻ. Chúng ta cho rằng đó là những câu hỏi ngây ngô, vớ vẩn và chúng ta không cần trả lời. Lâu ngày trẻ thấy rằng những thắc mắc của mình không được người lớn quan tâm và chú ý nên từ đó trẻ cũng mất đi phản xạ đặt câu hỏi, trẻ không muốn đặt câu hỏi, không muốn tìm hiểu nữa.

Một khi kỹ năng vận động ý tưởng và kỹ năng tra vấn không được mài rũa nó sẽ mất đi và khi mất đi thì khi gặp phải một kiến thức khó, một vấn đề khó trong học tập cần được giải quyết thì trẻ cảm thấy nó quá khó, dễ nản chí và không có nhiều động lực để vượt qua.

Xây dựng kỷ luật bản thân cho trẻ

Một điểm nữa để làm nên kỹ năng tự học của trẻ chính là kỷ luật bản thân. Trẻ cần có thói quen đến giờ là ngồi vào bàn học, ngay cả khi đó là việc mình không thích lắm nhưng mình cần phải nỗ lực hoàn thành vì đó là trách nhiệm của mình. Đó gọi là kỷ luật bản thân.

Học online đòi hỏi trẻ cần có kỷ luật bản thân rất lớn. Trẻ cần có sự chủ động chứ không phải đợi khi nào cha mẹ ép mới ngồi vào máy tính và ngồi một lúc thấy có vẻ nó hơi khó là bắt đầu nản, bắt đầu buông, bên cạnh lại không có thầy cô, không có bạn bè động viên thì lại càng dễ buông. Chính các hoạt động rèn luyện nề nếp và bản thân cho trẻ từ tấm bé ảnh hưởng rất nhiều tới kỷ luật bản thân của trẻ khi học online.

Khi con tôi còn nhỏ, tôi thường làm thời gian biểu cho con, thay vì mình đi đốc thúc con giờ nào phải làm cái gì thì mình tập cho con việc nhìn vào thời gian biểu để biết là giờ nào làm việc gì. Tất nhiên, một số ngày con cũng sẽ mè nheo, nhõng nhẽo một chút, không muốn tuân thủ theo lịch trình đó, khi ấy tôi cho con nếm trải cảm giác của việc không hoàn thành trách nhiệm của mình thì hậu quả diễn ra nó sẽ như thế nào. Một vài lần mình để con trải nghiệm hậu quả của việc không hoàn thành những trách nhiệm với bản thân như vậy, đôi khi lại có giá trị gấp nhiều lần việc nhắc nhở, đốc thúc, thậm chí nài nỉ của cha mẹ.

hoc-online

Khi được trang bị những kỹ năng cần thiết, việc học online của trẻ sẽ trở nên chủ động và hiệu quả hơn rất nhiều.

Giúp con thành thạo kỹ năng sử dụng máy tính

Trẻ muốn học online hiệu quả còn cần có kỹ năng sử dụng máy tính. Nhiều cha mẹ mệt vì con liên tục kêu réo xử lý các trục trặc xảy ra khi học online, nhiều khi từ những cái rất đơn giản như con không biết bật máy tính ra sao, con không biết đăng nhập vào phần mềm này như thế nào.

Kỹ năng tương tác với máy tính gần như là một kỹ năng bắt buộc phải có cho tương lai, cho nên, nếu trẻ chưa quen, chưa có kỹ năng thì ba mẹ nên dành thời gian để trang bị cho con kỹ năng này. Tôi cũng phải tập cho con thói quen là tự mình đăng nhập vào chương trình học online của trường. Đầu tiên là làm mẫu, rồi để con tự làm một số lần có sự giám sát của mình, khi con thành thạo thì tôi để con tự làm luôn. Tôi tạo cho con một email riêng để khi thầy cô gửi bài tập thì gửi thêm vào email của con. Khi con nhận được, tôi hướng dẫn con bấm vào đâu để vào link buổi học ngày hôm đó và khi có một số trục trặc thông thường xảy ra thì con có thể xử lý như thế nào.

Việc hướng dẫn con làm quen với máy tính và thực hiện các thao tác này có thể khá mất thời gian vào lúc đầu khi con mới học online nhưng tôi thấy là con làm quen rất là nhanh và sau đó khi con đã thành thạo thì tôi đỡ cực hơn rất nhiều.

Bố trí góc học tập phù hợp cho trẻ

Một điểm nữa chúng ta cần phải chú ý để hỗ trợ con học online hiệu quả chính là chuẩn bị cho con một góc học tập phù hợp. Tôi thấy nhiều cha mẹ vẫn để con học online trong các tư thế không phù hợp như ngồi trên giường, nằm dài trên sofa. Những tư thế thiếu nghiêm túc đó cũng ảnh hưởng đến khả năng tập trung chú ý của trẻ.

Góc học tập đối với trẻ nên mang ý nghĩa về mặt biểu tượng tinh thần, đó là một không gian có tính nghiêm trang mà khi ngồi vào đó trẻ phải có sự chú tâm tốt nhất. Không chỉ khi các con học online, mà ngay cả khi học offline thì các con đều cần có một góc học tập riêng tư, có bàn ghế phù hợp, có sự yên tĩnh cần thiết, bớt đi những sao nhãng. Điều đó có tác động rất lớn đến hiệu quả học tập của các con.

Tác giả: Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương

Nếu bạn thấy những thông tin này thật hữu ích, hãy chia sẻ ngay đến mọi người nhé!

Nguồn: readysteadygokids