Skip to main content

Giai Đoạn Trẻ Nhạy Cảm Về Trật Tự

Bộ não của trẻ mới chào đời như một căn phòng trống. Có một lượng thông tin khổng lồ bên ngoài chờ trẻ tiếp thu. Mỗi ngày trẻ lại biết thêm một điều mới, một khuôn mặt mới, hành động mới. Lượng thông tin trẻ tiếp nhận rất dễ khiến trẻ bị quá tải.

Để giải quyết vấn đề đó, căn phòng trống là bộ não sẽ được phân chia thành những nơi lưu trữ riêng. Nhưng hệ thống này hãy còn cực kì đơn giản so với bộ não của một người trưởng thành. Mỗi thông tin được trẻ lưu trữ ở một nơi trong phòng, nhưng nếu nó bất chợt thay đổi, trẻ sẽ thấy bối rối, không biết phải xếp nó vào đâu.

Đó chính là Giai đoạn nhạy cảm với trật tự.

Trẻ nhạy cảm với sự trật tự

Trẻ nhạy cảm với sự trật tự

Thời kì nhạy cảm về trật tự diễn ra từ khi trẻ còn sơ sinh cho đến 4 – 5 tuổi. Giai đoạn này, trẻ cố gắng nắm bắt thế giới bằng cách ghi nhớ trật tự về mọi thứ xung quanh.

Biểu hiện trong giai đoạn này là trẻ mong muốn những hoạt động nhất quán và lặp đi lặp lại. Trẻ dường như rất cứng nhắc với những thói quen đã được thiết lập và có thể trở nên rối loạn, quấy khóc nếu trật tự bị đảo lộn hay có thay đổi trong môi trường. Chỉ một thay đổi nhỏ cũng có thể khiến trẻ phản ứng rất dữ dội, có thể phản ứng bằng cách nói “Không” – “Không đúng”. 

Do đó, không gian sống của trẻ phải được sắp xếp đúng trật tự và có quy tắc.

Việc duy trì trật tự, là giúp trẻ duy trì sự sắp xếp thông tin trong tâm trí. Dần dần khi bộ não phát triển, hệ thống hồ sơ phức tạp hơn, trẻ mới có thể thích ứng với những thay đổi. 

Việc cần làm lúc này là:

Tìm hiểu nhu cầu của trẻ:

Kiên nhẫn để trẻ phát tác cơn bực dọc, chờ trẻ bình tĩnh lại mới đưa ra giải pháp. Người lớn không nên tùy tiện hứa với trẻ những điều mình không chắc chắn làm và hạn chế thay đổi vị  trí của đồ đạc trong nhà. 

Thiết lập một trật tự sống: 

Thời gian – Nên tập cho trẻ quen với một lịch sinh hoạt cố định phù hợp với nhu cầu của trẻ. Chẳng hạn giờ ăn, ngủ, thay tã, giờ chơi cố định. 

Không gian – Nên cho trẻ chơi ở những nơi cố định. Đồ đạc trong nhà được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ.  Không khí gia đình hòa thuận. 

Hoạt động – Nên tập cho trẻ quen với trật tự từ những chuyện nhỏ nhặt. Chẳng hạn tập cho trẻ trả đồ vật về chỗ cũ sau khi dùng xong. Cho trẻ làm quen với những quy tắc ứng xử khi tiếp xúc với người khác, chẳng hạn gặp mặt người lớn phải khoanh tay chào; đi đường thấy đèn đỏ phải dừng lại, không tùy tiện ngắt lá cây ven đường, không nói lớn tiếng trong rạp phim, rác phải bỏ vào thùng.

Với mỗi thay đổi xuất hiện trong môi trường, cần cho bé sự chuẩn bị, và sau đó hãy để bé tham gia vào quá trình thiết lập trật tự mới.

Kỷ luật và trật tự là một đức tính tốt và nên có

Đối xử đúng với giai đoạn nhạy cảm về trật tự của bé,  không có nghĩa là người lớn phải làm mọi thứ theo ý bé.  Chẳng hạn bạn không thể để đồ chơi bừa ra nhà vì chiều ý trẻ. Thay vào đó, cần luyện cho trẻ tính trật tự và kỉ luật. 

Đối với những người lớn bận rộn và đầy tâm cảm lộn xộn trong một thế giới hiện đại nhiều áp lực, dễ dàng tổn thương vì từng hành động của người khác, thì việc chăm sóc một đứa trẻ rất dễ stress. Đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội.

Hãy cố gắng thật nhiều cha mẹ nhé, hãy cùng con học hỏi và trưởng thành hơn mỗi ngày.

Chia sẻ ngay với mọi người0

Nguồn: readysteadygokids